Có nên cho bé đi bơi không? Độ tuổi nào thích hợp cho trẻ tập bơi?

Có nên cho bé đi bơi không? Độ tuổi nào thích hợp cho trẻ tập bơi?


Mình và ông xã mình rất thích bơi, và mình đã từng có giải bơi ở trường học, nhưng trước đó, khi bắt đầu học bơi đối với mình không dễ dàng. Bắt đầu học bơi là khoảng 14 tuổi, hồ bơi thật trong xanh, rất đẹp, nhìn mọi người tung tăng như cá dưới hồ rất quyến rũ, nhưng nghĩ đến chuyện nhảy xuống nước thật đáng sợ. Mình thử! Mẹ ơi, không đứng được, nước cứ dập dềnh, ọc ọc, uống nước lần đầu tiên, ngóc đầu lên, thầy bảo làm này làm kia, sao làm được, hic, đứng còn không xong?! Ông xã mình còn tệ hơn, nghe "hắn" kể, bạn bè trong lớp biết bơi hết rồi, hắn còn đứng trên bờ chưa dám xuống, cô giáo từ năn nỉ dụ dỗ đến "đạp cho một phát" xuống hồ luôn, rồi thời gian sau cũng bơi được. Mình muốn kể ngắn gọn câu chuyện của vợ chồng mình cho bạn nghe để hiểu rằng, khi càng lớn, nhận thức và trí  tượng lớn theo thì học bơi lúc ban đầu y như cực hình, khó khăn lắm! 
Nếu bạn cũng như mình, yêu thích nước và muốn cho bé làm quen với môi trường mới hoặc bạn vừa nghe nói rằng bơi giúp trẻ phát triển tốt? Theo ý kiến riêng của mình, khi bé làm quen với nước sớm trước hết sẽ giúp bé đỡ sợ nước hơn nhưng bên cạnh đó cũng có những nguy hiểm và khiến con bạn dễ bị bệnh. Mình có một số thông tin sau đây cho các cha mẹ tham khảo cùng mình nhé.
Bắt đầu ở độ tuổi nào cho con đi bơi?
Hội đồng Y tế Cấp cao (CSS) khuyến cáo rằng bạn không nên cho bé đến các hồ bơi công cộng cho đến khi con bạn được 12 tháng tuổi. Vì sao, các loại vắc xin nhận được cho đến từ dưới 1 tuổi chỉ miễn dịch chống lại những bệnh rất cụ thể chứ không chống lại những bệnh thường gặp ở hồ bơi như nhiễm trùng tai, viêm phế quản, viêm phổi. Hãy nhớ rằng phổi của trẻ sơ sinh vẫn còn non nớt. Hơi clo thoát ra từ nước có thể khiến con bạn dễ bị tổn thương và dẫn đến nhiều phản ứng, chủ yếu là hô hấp và đặc biệt trực tiếp trên da.
Những điều cần biết trước khi đưa trẻ đi bơi
- Vì lý do vệ sinh, điều quan trọng là phải trang bị tã đặc biệt chấm thấm chống rò rỉ sử dụng trong hồ bơi cho bé. Nhớ đem theo bình nước và đồ ăn dặm. Lý tưởng là không ở dưới nước quá 20 đến 30 phút cho mỗi phiên;
- Không chạy đua, không vì "con nhà người ta thế kia nên con nhà mình cũng phải thế này", không ép buộc con, hãy để cho bé tự do chọn lựa là điều tiên quyết;
- Cung cấp thông tin cho con bạn trước khi để bé xuống nước, ví dụ, dẫn bé đi hồ bơi, ngồi trên bờ nói chuyện giải thích với bé trước, sau đó bạn xuống nước trước và tiếp tục nói chuyện, đến khi bé sẵn sàng. Bạn đừng nghĩ con bạn quá nhỏ không hiểu gì, chúng hiểu hết bạn nhé, qua cử chỉ, hành động, giọng nói của bạn sẽ cung cấp rất nhiều thông tin cho bé. Đối với những đứa trẻ sợ nước, đây là một cách tiếp cận để giúp chúng chế ngự nỗi sợ. Nhớ đừng quên chỉ cho con bạn những cầu trượt, thảm bơi, trò chơi hấp dẫn trong hồ bơi nữa nhé;
- Có những hồ bơi đã được làm sạch bằng các quy trình ít gây nguy hiểm cho trẻ, hãy kiểm tra trước khi đưa bé đi;
- Chọn hồ bơi với một đội ngũ cứu hộ nghiêm túc. Vì sao mình nói nghiêm túc, ý mình muốn nhấn mạnh rằng đội cứu hộ luôn theo sát mọi người trong hồ bơi, không lơ đãng chuyện khác. Nếu bạn cho bé học bơi với giáo viên, hãy xem xét giáo viên có chuyên nghiệp theo lứa tuổi của con bạn không và theo mình luôn ưu tiên chọn giáo viên ở dưới nước cùng các học trò của mình để phản ứng kịp thời các tình huống xảy ra.
Vậy đi bơi hay nói cách khác làm quen với nước có lợi gì cho trẻ?
- Đánh thức các giác quan nhờ các âm thanh khác nhau trên bờ dưới nước và khi tiếp xúc với nước.
Bạn có bao giờ nghe nhạc dưới nước, rất khác biệt đấy. Hồi xưa mình đi bơi ở hồ bơi Phú Thọ ở Sài Gòn, họ có gắn dàn loa dưới nước, bạn nghe được khi trên bờ và cả dưới nước, cảm giác rất tuyệt;
- Giúp bé có được sự giao tiếp, gặp gỡ những người xung quanh;
- Thói quen dưới nước giúp bé càng lớn bé sẽ càng tự tin nhảy xuống nước và chơi đùa;
- Phát triển các kỹ năng vận động tâm lý khi con bạn di chuyển cùng bạn trong nước và khám phá ra những chuyển động mới. Cũng tốt cho hơi thở của bé và bé học được các cách kiểm soát khác nhau;
- Củng cố mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là niềm tin từ phía bé và sẽ lấp đầy trong đầu bé về bạn với những kỷ niệm đẹp.
Cuối cùng, bạn nên hỏi ý kiến ​​của bác sĩ trước khi cho bé xuống nước. Nếu bé của bạn có bác sĩ riêng thì bạn sẽ nhận được lời khuyên tốt nhất từ họ vì họ nắm được thể chất của con bạn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến